ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH HỆ THỐNG LÊN VÙNG QUANH RĂNG

ẢNH HƯỞNG CỦA DINH DƯỠNG:
Một số tổn thương ở vùng nha chu và niêm mạc miệng được cho là thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân bằng. Thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến tổ chức quanh răng, gây ra viêm lợi và viêm quanh răng hoặc làm tăng nặng bệnh ở tổ chức quanh răng. Các nhà nghiên cứu giả định rằng với những trường hợp các yếu tố gây viêm tại chỗ chưa đủ mạnh để gây ra các tổn thương ở vùng quanh răng nhưng với sự kết hợp thiếu dinh dưỡng của vật chủ thì vi sinh vật vẫn gây bệnh.
Vai trò của chế độ ăn:
Nhiều thực nghiệm trên động vật cho thấy chế độ ăn ăn ảnh hưởng đến sự bám mảng bám răng và khởi phát viêm lợi. Các loại thức ăn mềm làm mảng bám và cao răng hình thành nhanh nhiều, đặc biệt là thức ăn có nhiều sucrose. Thức ăn cũng là nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật ở mảng bám răng, ảnh hưởng lên các hoạt động chuyển hoá của vi khuẩn và khả năng gây bệnh của vi khuẩn. Nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn có thể là nội sinh hoặc ngoại sinh. Trong các yếu tố ngoại sinh thì đường được nghiên cứu kỹ: lượng đường và loại đường và số lần ăn trong ngày ảnh hưởng lên sự sinh trưởng của vi khuẩn.
Thiếu hụt vitamin A, D, E
Thiếu vitamin A:
Một chức năng chính của vitamin A là duy trì sự khoẻ mạnh của tế bào biểu mô. Thiếu vitamin A gây các tổn thương ở da, niêm mạc. Thay đổi thoái hoá ở lớp biểu mô gây dị sản lớp sừng, giảm khả ngăn cản các vật lạ xâm nhập.
Hiện nay các thực nghiệm chứng minh vai trò của vitamin A đối với bệnh vùng quanh răng còn ít và chưa chứng minh được vai trò của việc thiếu vitamin A đối với bệnh vùng quanh răng.
Trên động vật (chuột) thí nghiệm, thiếu hụt vitamin A gây dày sừng và tăng sản lợi với xu hướng tạo túi lợi, dày biểu mô bám dính, chậm lành thương tổ chức lợi. Nếu có yếu tố căn nguyên tại chỗ thì bệnh phát triển và tạo túi lợi sâu hơn so với nhóm chuột không thiếu hụt vitamin A.
Thiếu vitamin D:
Vitamin D (calciferol) là cần thiết cho sự hấp thụ can xi ở đường tiêu hoá và cân bằng canxi- phosph của cơ thể. Thiếu vitamin D hoặc sự mất cân bằng canxi-phosph gây còi xương ở trẻ và loãng xương ở người lớn.
Thực nghiệm trên động vật gây loãng xương ổ răng, giảm chiều rộng vùng dây chằng quanh răng, tiêu cement chân răng, giảm sự phát triển xương ổ răng.
Ở động vật gây loãng xương thực nghiệm, có sự tiêu xương ổ, tăng sinh sản nguyên bào sợi và nguyên bào sợi thay thế cho xương vỏ và xương bè
Thiếu vitamin E:
Vitamin E đóng vai trò như một chất chống ôxy hoá. Màng tế bào là nơi bị tổn thương nhiều nhất khi thiếu vitamin E. Thiếu vitamin E làm chậm quá trình liền thương ở tổ chức quanh răng.

Thiếu vitamin nhóm B và vitamin C:
Thiếu phức hợp các vitamin nhóm B: gồm có thiamin (B1), riboflavin (B2), niacin (PP), pyridoxine (B6), biotin, acid folic và cobalamin (B12).
Các thay đổi trong miệng do thiếu phức hợp vitamin nhóm B thường là: viêm lợi, viêm lưỡi, đau lưỡi, chốc mép, viêm niêm mạc miệng. Tổn thương viêm lợi không đặc thù vì nguyên nhân do mảng bám hơn là do thiếu phức hợp vitamin nhóm B
Khi thiếu vitamin B1, biểu hiện toàn thân là beriberi: liệt, có triệu chứng tim mạch, phù nề, ăn không ngon miệng. Trong miệng : nhạy cảm niêm mạc, mụn nước nhỏ ở niêm mạc má, dưới lưỡi, vòm miệng, trợt niêm mạc miệng
Triệu chứng của thiếu vitamin B2 (riboflavin): viêm lưỡi, chốc mép, viêm da bã nhờn, viêm giác mạc do tổn thương các mạch máu nông. Viêm lưỡi đặc trưng bởi teo nhú lưỡi và có mảng màu đỏ tía, những trường hợp nhẹ và trung bình, lưng lưỡi có các mảng nhú vị giác teo. Trường hợp nặng, toàn bộ bề mặt lưng lưỡi phẳng, khô, có rãnh.
Chốc mép bắt đầu như một tổn thương viêm ở góc mép, tiếp theo là trợt, loét, và nứt nẻ. Thiếu riboflavin không phải là nguyên nhân duy nhất gây chốc mép, giảm chiều cao và chảy nước dãi góc mép. Chốc mép do nấm thường gặp ở người suy nhược
Tổn thương thực nghiệm do thiếu riboflavin ở động vật gây tổn thương ở lợi, tổ chức quanh răng, niêm mạc miệng, có thể gây cam tẩu mã.
Triệu chứng của thiếu Niacin (vitamin PP): viêm da, viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng, viêm niêm mạc đường tiêu hoá, ỉa chảy, triệu chứng thần kinh và tâm thần. Khi thiếu vitamin PP thì viêm lưỡi và viêm niêm mạc miệng thường là triệu chứng sớm. Có thể có triệu chứng ở lợi mà không có biểu hiện ở lưỡi. Triệu chứng thường gặp ở lợi là loét hoại tử, thường ở vị trí có kích thích tại chỗ.
Thực nghiệm thiếu phức hợp vitamin nhóm B và niacin ở động vật thấy có các triệu chứng: lưỡi đen, viêm lợi, phá huỷ lợi, tổn thương dây chằng quanh răng và xương ổ răng. Hoại tử lợi và các phần khác trong miệng. Toàn thân: giảm bạch cầu.
Triệu chứng của thiếu acid Folic: biểu hiện toàn thân là thiếu máu với hồng cầu chưa trưởng thành, hệ tiêu hoá: tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, ỉa chảy; biểu hiện ở miệng: lợi, dây chằng quanh răng và xương ổ răng không viêm, viêm niêm mạc lợi. Viêm miệng loét là triệu chứng sớm của thuốc điều trị bệnh bạch cầu gây thiếu axít folic
Trên nghiên cứu hàng loạt ở người, sau khi được điều trị bằng axít folic tại chỗ và toàn thân, các triệu chứng viêm ở lợi giảm nhanh chóng, sự giảm này không liên quan mảng bám răng. Các nhà nghiên cứu giả định rằng các thay đổi ở lợi liên quan thai nghén và thuốc tránh thai là do giảm lượng axít folic ở lợi. Nghiên cứu trên phụ nữ có thai viêm lợi dùng nước súc miệng folate thấy viêm lợi giảm. Thuốc chống động kinh ngăn cản sự hấp thu axít folic ở lợi gây phì đại lợi.

Triệu chứng của thiếu vitamin C (acid ascorbic): thiếu vitamin C nặng gây bệnh Scurvy, triệu chứng điển hình là chảy máu tạng , chảy máu cơ tay và chân, khớp và có thể ở gốc móng tay , xuất huyết quanh nang chân tóc , nhạy cảm nhiễm trùng ,và chậm liền thương, có thể chảy máu, sưng lợi và lung lay răng.
Bệnh scurvy gây các tổn thương ở tổ chức collagen, chậm hoặc không tạo xương, tổn thương chức năng tế bào tạo xương. Thiếu vitamin C làm tăng tính thấm mao mạch, nhạy cảm xuất huyết khi sang chấn, giảm khả năng co mạch ngoại biên, lưu thông máu chậm.
Sự liên quan giữa acid ascorbic và bệnh vùng quanh răng:
Do một số cơ chế:
1. Khi vitamin C giảm sẽ ảnh hưởng đến cơ chế chuyển hoá của collagen trong vùng quanh răng do đó ảnh hưởng khả năng tái tạo và sửa chữa tổ chức. Trên khỉ thấy dây chằng vùng quanh răng bị ảnh hưởng sau cùng trước khi khỉ chết.
2. Làm giảm sự tạo xương, làm mất xương ổ răng. Biểu hiện xương là triệu chứng muộn của bệnh thiếu vitamin C.
3. Thiếu vitamin C làm tăng tính thấm của niêm mạc miệng, các độc tố vi khuẩn, vi khuẩn, vi rút dễ lọt qua hàng rào biểu mô.
4. Lượng vitamin C tăng khả năng hoá ứng động và di động của bạch cầu mà không ảnh hưởng đến khả năng đại thực bào do vậy vitamin C hấp thụ giảm làm giảm khả năng thực bào của bạch cầu.
5. Hấp thụ đầy đủ vitamin C giúp duy trì tổ chức vùng quanh răng: hệ mạch vùng quanh răng, khả năng đề kháng, nhanh lành thương.
6. Giảm vitamin C của cơ thể gây mất cân bằng giữa sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn trong mảng bám răng, tăng khả năng bị bệnh vùng quanh răng.
Các nghiên cứu dịch tễ học: một số nghiên cứu cộng đồng đánh giá sự liên quan giữa mức vitamin C và bệnh lợi và bệnh quanh răng. Các nghiên cứu này sinh hóa để lượng giá mức vitamin C và các chỉ số lượng giá lợi và vùng quanh răng. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy không liên quan với bệnh quanh răng.
Viêm lợi: các quan điểm dân gian cho rằng có sự liên quan giữa viêm lợi và thiếu vitamin C.
Viêm quanh răng: Thực nghiệm gây thiếu vitamin C ở động vật gây phù nề và xuất huyết dây chằng quanh răng, tiêu xương ổ răng, lung lay răng, chảy máu xuất huyết, phù nề và thoái hoá sợi collagen ở lợi. Thiếu vitamin C làm chậm lành thương ở lợi. Các sợi collagen ở vùng quanh răng là tổ chức ít bị ảnh hưởng nhất khi thiếu vitamin C, các sợi này nằm ngay dưới biểu mô bám dính và trên mào xương ổ răng.
Thiếu vitamin C không gây ra túi lợi. Thiếu vitamin C cấp làm tăng mức độ viêm lợi có sẵn. Cơ chế sự phá huỷ này một phần là do hệ thống bảo vệ của lợi ở các sợi lợi không chế ngự được tác nhân gây bệnh, một phần là do sức mạnh phá huỷ của vi khuẩn gây bệnh.
Các nghiên cứu thực nghiệm trên người không thu được bằng chứng lâm sàng để kết luận của tình trạng thiếu vitamin C. Các nghiên cứu hồi cứu cho thấy rằng thiếu vitamin C có ảnh hưởng lớn nhất lên vùng quanh răng khi có sẵn bệnh ở vùng quanh răng. Nói tóm lại, tình trạng thiếu vitamin C cấp hoặc mãn tính nếu không có mảng bám răng thì rất ít hoặc không ảnh hưởng lên vùng quanh răng.
Thiếu protein: Làm giảm protein huyết, gây teo cơ, sụt cân, giảm khả năng chống đỡ của cơ thể ... Ở vùng quanh răng làm thoái hoá tổ chức liên kết ở lợi và dây chằng quanh răng, tiêu xương ổ răng, chậm lành thương và sửa chữa tổ chức ở vùng quanh răng
Cơ chế mất xương ổ răng là do sự tái tạo và thay thế xương không tương xứng với quá trình huỷ xương. Thiếu protein cũng làm trầm trọng thêm bệnh lý có sẵn ở vùng quanh răng
Đói ăn:
Đói là sự thiếu toàn bộ các chất dinh dưỡng, cơ thể không đủ năng luợng. Một số thực nghiệm cho thấy khi bị đói, xương ổ răng giảm chiều cao, khối lượng. Bệnh của vùng quanh răng trầm trọng hơn
Rối loạn nội tiết:
Rối loạn nội tiết, ví dụ bệnh tiểu đường, thay đổi lượng hoc môn khi dậy thì hay mang thai sẽ ảnh hưởng tới vùng quanh răng.
Bệnh tiểu đường:
Bệnh tiểu đường là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của bệnh toàn thân lên vùng quanh răng. Cơ chế bệnh là sự rối loạn chuyển hoá phức hợp, biểu hiện bệnh là tăng đường huyết mãn tính, giảm insulin máu gây giảm khả năng chuyển glucose từ máu vào mô và làm tăng đường huyết, đi tiểu đường. Chuyển hoá lipid và protein cũng bị ảnh hưởng. Tình hình tăng đường huyết mãn tính dẫn đến nguy cơ biến chứng,ví dụ bệnh nhiễm trùng ở các mao mạch như mạch nuôi thần kinh, thận , các biến chứng mạch lớn như mạch não, tim. Nguy cơ nhiễm trùng còn làm chậm lành thương.
Khoảng 5,9% người Mỹ mắc tiểu đường và chỉ một nửa số người này ý thức được nguy cơ của bệnh. Bệnh tiểu đường có 2 typ, I và II. Tiểu đường typ 1 là tiểu đường phụ thuộc insulin, gây ra bởi sự phá huỷ các tế bào tạo insulin loại beta ở tiểu đảo Langerhans ở tuỵ do cơ chế tự miễn. Tiểu đường typ 1 chiếm 5% đến 10% số bệnh nhân tiểu đường và thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ. Tình trạng tăng đường huyết này thường không ổn định và khó kiểm soạt, có xu hướng chuyển thành nhiễm Keton và hôn mê. Tiểu đường typ 1 cần được tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Triệu chứng lâm sàng thường là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gày, dễ bị nhiễm trùng.
Tiểu đường typ 2 còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin, gây ra bởi sự kháng insulin ngoại vi, tổn thương chức năng tiết insulin của tuỵ và tăng sản phẩm glucose ở gan. Tế bào beta ở tuỵ không bị phá huỷ bởi hoạt động miễn dịch tự miễn qua trung gian tế bào. Tiểu đường typ 2 chiếm 90% tới 95% số lượng bệnh nhân tiểu đường. Tiểu đường typ 2 thường khởi phát ở người lớn và nhiều người không biết là mình có bệnh tới khi có triệu chứng nặng hoặc khi có biến chứng, bệnh thường ở các cá thể béo. Bệnh có thể điều khiển bằng chế độ ăn. Sự chuyển sang keton máu và hôn mê hiếm gặp. Tiểu đường typ 1 cũng có các triệu chứng như tiểu đường typ 2 nhưng không nặng như typ 1.
Phân loại tiểu đường còn thêm một týp nữa là tiểu đường thứ phát sau các bệnh và hội chứng khác. Một ví dụ tăng đường huyết là tăng đường huyết thai nghén, xuất hiện ở khoảng 2% đến 5% người mang thai. Những người mắc tiểu đường thai nghén có nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 khi lớn tuổi. Một ví dụ khác là tiểu đường liên quan với tổn thương tế bào tuỵ do bệnh to cực, hội chứng Cushing, các hoá chất.
Biểu hiện bệnh tiểu đường ở miệng: viêm góc mép, khô và nứt nẻ niêm mạc miệng, cảm giác khô nóng trong miệng và lưỡi, giảm lưu lượng nước bọt, thay đổi hệ vi sinh vật trong miệng, Candida albicans , liên cầu tan huyết , tụ cầu chiếm số lượng lớn. Tăng nguy cơ sâu răng ở những người kiểm soát đường huyết kém. Những triệu chứng này không đặc thù cho bệnh tiểu đường và chỉ thường gặp ở những người kiểm soát đường huyết kém.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của bệnh tiểu đường lên vùng quanh răng, một số thay đổi ở vùng quanh răng đã được mô tả như: lợi phì đại, po líp lợi mềm hoặc có cuống, tạo áp xe vùng quanh răng, viêm quanh răng, lung lay răng. Cơ chế là do đường huyết và đường nước bọt tăng làm thay đổi hệ vi sinh vùng quanh răng và giảm khả năng đề kháng tại chỗ.
Viêm quanh răng ở bệnh nhân tiểu đường typ 1 thường xuất hiện sau tuổi 12. Khảo sát thấy 9,8% người 13 đến 18 tuổi bị tiểu đường ở Mỹ mắc viêm quanh răng, người trên 19 có tới 39% mắc viêm quanh răng.
Bệnh viêm quanh răng ở người tiểu đường không theo một hình mẫu cố định nào. Người tiểu đường bị viêm quanh răng và vệ sinh kém thường có viêm lợi nặng, túi lợi sâu, tiêu xương nặng, áp xe quanh răng.
Người trẻ bị tiểu đường týp 1 thường bị tổn thương vùng quanh răng răng số 6 và các răng cửa nặng hơn các răng khác, còn người lớn tuổi thường bị tổn thương đều tất cả các vùng răng. Tuổi thanh thiếu niên thường bị viêm quanh răng toàn bộ.
Những người tiểu đường trên 30 tuổi có nguy cơ bị phá huỷ vùng quanh răng nhiều hơn, những người được phát hiện mắc tiểu đường trên 10 năm có tổn thương vùng quanh răng rõ hơn những người phát hiện dưới 10 năm
Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy bệnh tiểu đường không gây ra viêm quanh răng mà là các tình trạng biến đổi do bệnh tiểu đường ảnh hưởng lên vùng quanh răng làm bệnh viêm quanh răng dễ khởi phát, dễ nặng lên và khó lành thương. Áp xe vùng quanh răng là đặc điểm thường gặp ở viêm quanh răng tiểu đường.
Căn nguyên vi khuẩn viêm quanh răng tiểu đường:
Đường huyết, đường ở dịch lợi, chỉ số mảng bám, chỉ số lợi ở người tiểu đường cao hơn so với người đường huyết bình thường. Hệ vi sinh vật ở mảng bám răng dưới lợi thay đổi và gồm chủ yếu capnocytophaga, xoắn khuẩn kị khí, các loài actinomyces. Porphyromonas gingivalis, Prevotella intermedia và Actinobacillus actinomycetemcomitans, những loại thường có ở nhiều ở viêm quanh răng mãn tính thì ít gặp trong những trường hợp này.
Chức năng của bạch cầu đa nhân: bạch cầu đa nhân giảm hoá ứng động, giảm khả năng thực bào, giảm khả năng gắn vật thể lạ.
Thay đổi ở tổ chức collagen: tăng huỷ và giảm tổng hợp collagen xảy ra ở các bệnh nhân tăng đường huyết mãn tính.
Thay đổi ở vùng quanh răng liên quan kinh nguyệt:
Do thay đổi sự cân bằng hormon thậm chí có thể do rối loạn chức năng buồng trứng. Trong chu kỳ, nguy cơ viêm lợi tăng lên, một số người bị chảy máu lợi, cảm giác nóng ở lợi, tăng dịch lợi.
Liên quan thai nghén:
Thai nghén không gây viêm lợi mà chỉ làm viêm lợi dễ phát sinh và tăng nặng do nguyên nhân vi khuẩn.